Giá heo hơi tại miền Bắc
Cụ thể, tại Hà Nội, Hưng Yên giá heo hơi được thu mua với mức 59.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định giá heo hơi ở mức 58.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Thái Nguyên, Thái Bình, Hải Dương giá heo hơi ở mức 57.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 57.000 - 59.000 đồng/kg.
Giá heo hơi ngày 4/2/2022: 2 miền Trung - Nam đồng loạt tăng. Ảnh: Đỗ Khải
Giá heo hơi tại miền Trung - Tây Nguyên
Cụ thể, tại tỉnh Quảng Nam, Hà Tĩnh giá heo hơi đồng loạt tăng 1.000 đồng/kg lên mức 57.000 đồng/kg và 58.000 đồng/kg.
Các địa phương như Nghệ An, Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk giá heo hơi đi ngang, hiện được thu mua với mức 58.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, lâm Đồng, Ninh Thuận giá heo hơi ở mức 56.000 - 57.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 56.000 - 58.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam
Cụ thể, tại tỉnh Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu giá heo hơi tăng 1.000 đồng/kg lên mức 56.000 đồng/kg và 57.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Bạc Liêu giá heo hơi ở mức 57.000 - 58.000 đồng/kg.
Các địa phương như TP Hồ Chí Minh, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng giá heo hơi được thu mua với mức 55.000 - 56.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 55.000 - 58.000 đồng/kg.
Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2021, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp. Trong đó, đối với dịch tả heo Châu Phi, cả nước đã xảy ra 2.930 ổ dịch thuộc 395 huyện của 58 tỉnh, thành phố. Tổng số heo bị tiêu hủy là 266.100 con. Nguyên nhân của dịch bệnh do vi rút có sức đề kháng cao, mầm bệnh đã lưu hành rộng trong quần thể, tồn tại trong môi trường tại các ổ dịch cũ. Hiện chưa có vắc xin để phòng và thuốc điều trị; đường lây truyền của bệnh phức tạp, khó kiểm soát. Cùng với đó, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chưa đảm bảo an toàn sinh học; các hộ chăn nuôi heo đan xen trong các khu dân cư, đặc biệt tại một số địa phương phương thức chăn nuôi lợn thả rông của người dân còn phổ biến làm dịch bệnh lây lan nhanh và gây khó khăn trong công tác chống dịch.
Về dịch lở mồm long móng, trong năm 2021, đã xảy ra tại 88 xã, 47 huyện, 18 tỉnh, thành phố; số gia súc mắc bệnh gồm 3.402 con (giảm 2,34 lần so với cùng kỳ năm 2020), số gia súc bị tiêu hủy 348 con.
Theo nhận định của Cục Thú y, nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi vào đầu năm 2022 là rất cao do tỷ lệ gia súc được tiêm phòng thấp, nhiều đàn chưa hoặc không được tiêm phòng. Các loại mầm bệnh lưu hành với tỷ lệ cao, ở phạm vi rộng, trong đó có các loại mầm bệnh tồn tại lâu ngoài môi trường, chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh. Nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật tăng mạnh, trong khi giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số.
Bên cạnh đó, thời tiết biến động bất lợi (mưa, rét ở các tỉnh phía Bắc), tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan. Công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thời gian qua chịu ảnh hưởng rất lớn do dịch bệnh Covid-19.
Để chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc xảy ra trên diện rộng, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe con người, Cục Thú y đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền các cấp của địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.
Trong đó, chú trọng bố trí các nguồn lực để tổ chức có hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo thực hiện; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng các bệnh, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn.
Đặc biệt, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao. Chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng.